1
Bạn cần hỗ trợ?

Nghệ thuật phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng

Phỏng vấn ứng viên là cả một nghệ thuật cần phải học dành cho nhà tuyển dụng. Làm thế nào để cuộc phỏng vấn đạt hiệu quả cao nhất, qua đó chọn được người thích hợp nhất cho công ty, những lời khuyên cùng những ghi nhớ bổ ích tổng hợp bên dưới của GPO sẽ giúp công tác nhận biết ứng viên phù hợp dễ dàng hơn.


Trước Buổi Phỏng Vấn

Xác định rõ mục tiêu tuyển dụng:

Bạn cần xác định rõ bạn muốn ứng viên đáp ứng những yêu cầu, mong đợi và những phẩm chất gì qua những câu hỏi sau:
+ Ứng viên cần đảm trách những nhiệm vụ gì, có những kiến thức và kỹ năng nào?
+ Ứng viên cần đạt được những thành tích cụ thể nào ở vị trí này?

Xóa tan sự ngượng ngập ban đầu

Hãy để cho buổi phỏng vấn của bạn diễn ra thật tự nhiên. Là người phỏng vấn, bạn nên giúp ứng viên đỡ căng thẳng, lo lắng trước khi buổi phỏng vấn thực sự bắt đầu. Bạn có thể hỏi ứng viên:
+ Bạn tìm công ty của chúng tôi có khó không?
+ Bạn muốn dùng chút café hay nước lọc trước khi chúng ta bắt đầu không?

Trong Cuộc Phỏng Vấn

Đặt câu hỏi để xác định đúng khả năng thật sự của ứng viên

Bạn không nên chỉ đặt câu hỏi phỏng vấn dựa vào bảng mô tả công việc và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Với những câu hỏi sau đây, bạn sẽ có thông tin chính xác hơn để biết được ứng viên có đủ kỹ năng và phẩm chất phù hợp với công việc hay không.

Các câu hỏi dạng truyền thống:
Ứng viên thường đoán trước họ sẽ được hỏi những câu này, vì vậy họ sẽ chuẩn bị sẵn câu trả lời trước buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bằng cách hỏi các câu hỏi sau đây, bạn sẽ có được những thông tin cơ bản về ứng viên.
Ví dụ:
+ Hãy cho tôi biết về anh/chị.
+ Điểm mạnh của anh/chị là gì?
+ Tại sao anh/chị muốn làm việc cho công ty chúng tôi?

Câu hỏi tình huống:
Đây là dạng câu hỏi giúp bạn đánh giá khả năng xử lý tình huống của ứng viên. Hãy hỏi ứng viên cách họ xử lý một tình huống cụ thể trong công việc như thế nào. Ví dụ:
+ Bạn sẽ làm gì khi gặp một khách hàng đang vô cùng tức giận?
+ Bạn sẽ làm gì để giảm căng thẳng trong công việc?

Câu hỏi về hành vi trong quá khứ:
Dạng câu hỏi này yêu cầu ứng viên cho biết kinh nghiệm làm việc trước đây của họ. Cách giải quyết vấn đề của ứng viên trong quá khứ là cơ sở đáng tin cậy giúp nhà tuyển dụng dự đoán được cách họ xử lý công việc trong tương lai như thế nào. Ví dụ:
+ Hãy cho tôi một ví dụ về cách anh/chị giải quyết thành công một sự cố trong công việc trước đây cùng với đội nhóm của mình?
+ Anh/chị đã từng xử lý thành công một vấn đề nan giải trong công việc trước đây như thế nào?

Tìm nhân viên biết “chung vai sát cánh”.

Bạn cần tìm ứng viên có thể làm việc tốt với đội nhóm và phù hợp với văn hóa công ty. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng! Các câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn biết được ứng viên có phải là một thành viên phù hợp không:
+ Anh/chị sẽ làm gì để hoàn thành dự án A trong một hạn định rất ngắn với một đội ngũ có 3 thành viên?
+ Theo anh/chị, đâu là tiêu chí quan trọng nhất khi làm việc theo nhóm?

Nên có nhiều người tham gia buổi phỏng vấn

Nếu điều kiện cho phép, bạn nên mời một số người liên quan tham gia buổi phỏng vấn để có đánh giá khách quan và thấu đáo hơn về ứng viên. Ngoài cấp quản lý trực tiếp và đại diện phòng nhân sự ra, bạn nên mời thêm một nhân viên khác làm việc chung bộ phận với ứng viên sau này.

Những lưu ý trong quá trình phỏng vấn

• Giới thiệu sơ lược về công việc. Bạn cần cho cho ứng viên biết về nhiệm vụ chính của họ, sếp trực tiếp, phòng ban công tác, các khó khăn và thử thách mà ứng viên có thể gặp phải trong quá trình làm việc, đặc biệt là các tiêu chuẩn để đánh giá thành tích làm việc tại công ty.
• Đừng ngại “biến tấu”. Bạn đã chuẩn bị danh sách các câu hỏi phỏng vấn, nhưng đừng quá lệ thuộc vào bảng câu hỏi cứng nhắc này. Hãy dựa vào những thông tin ứng viên trình bày để đặt những câu hỏi liên quan giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm làm việc của ứng viên.
• Luôn luôn lắng nghe…. Đừng nói quá nhiều trong khi phỏng vấn, hãy để ứng viên trình bày càng nhiều càng tốt để bạn xác định khả năng thực sự của họ. Thông thường, người phỏng vấn dành 80% thời gian để nghe ứng viên trình bày và chỉ 20% thời gian để hỏi ứng viên, trả lời câu hỏi của ứng viên và giới thiệu về công ty.
• Ghi chú các thông tin cần thiết. Bạn cần chuẩn bị giấy bút để ghi lại những thông tin quan trọng của ứng viên như thành tích nổi bật, các kỹ năng đặc biệt so với những ứng viên khác. Điều đó sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên công bằng và chính xác hơn.
• Khuyến khích ứng viên đặt câu hỏi. Đây là lúc bạn phát hiện được nhiều điều thú vị về ứng viên đây! Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được vì sao ứng viên lựa chọn công ty bạn, vì lương bổng hấp dẫn, chế độ nghỉ phép hay vì mong muốn được phát triển sự nghiệp trong một môi trường năng động, thử thách hơn… Nếu ứng viên không đặt bất kỳ câu hỏi nào (đặc biệt là những ứng viên cấp cao), có thể họ không mấy hứng thú với cơ hội làm việc với công ty bạn.
• Tránh những câu hỏi “tế nhị”. Bạn chỉ nên đặt những câu hỏi liên quan trực tiếp đến vị trí tuyển dụng và tuyệt đối tránh những câu hỏi có ý phân biệt chủng tộc, tôn giáo, vùng miền địa lý…
• Tìm hiểu sâu về kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Những câu hỏi theo dạng “Hãy cho tôi biết…” hoặc yêu cầu ứng viên giải quyết những tình huống cụ thể trong công việc sẽ giúp bạn hiểu rõ về khả năng làm việc thật sự của ứng viên.

 

Trà Giang – Theo VNResource

 

>> Xem thêm: Quy trình phỏng vấn tuyển dụng cơ bản ứng viên cần biết

                         9 điều cần làm rõ trong buổi phỏng vấn

Bài viết liên quan

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 27-28/7/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO QUẢN TRỊ CON NGƯỜI (PEOPLE MANAGEMENT) CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Trong ngày 19-20/7/2023 Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã trực tiếp đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo QUẢN TRỊ CON NGƯỜI CHO CÁC DOANH NGHIỆP


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 14-15/3/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


Bản quyền thuộc về GPO. Thiết kế website bởi Tâm Phát