COVID-19 giết chết động lực của bạn, làm sao để lấy lại tinh thần?
Đại dịch Covid-19 khiến hầu như tất cả mọi người phải làm việc tại nhà. Nhiều người đã dần quen với kiểu làm việc thoải mái này. Tuy nhiên, đây chính là thứ huỷ hoại thói quen và làm giảm động lực của chúng ta. Động lực sẽ có xu hướng mất đi khi chúng ta thiếu một trong ba yếu tố sau: sự tự chủ, năng lực và các mối quan hệ, bà Lora Park, Phó giáo sư kiêm Giám đốc Phòng nghiên cứu Self and Motivation tại đại học Buffalo, New York, Mỹ chia sẻ với tờ CNBC. “Covid đến đã xoá sạch 3 yếu tố đó gần như ngay lập tức”, bà nói. Tuy nhiên, có một số cách có thể giúp bạn sắp xếp lại cuộc sống và thói quen để cảm thấy có động lực hơn. Bài viết dưới đây của GPO sẽ đưa ra 6 cách hiệu quả đã được khoa học chứng minh giúp bạn cảm thấy tràn đầy hứng khởi bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch của mình.
1. Rèn luyện nề nếp
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Harvard cho thấy rằng nề nếp - chuỗi hành động có trật tự và lặp đi lặp lại - làm tăng khả năng tự chủ và cảm giác tự kỷ luật của mọi người. “Nề nếp không phải là thứ gì to tát, nó có thể là thói quen rất nhỏ mà bạn làm hằng ngày”, bà Park nói. Ví dụ, hãy đặt 1 bộ quần áo thể thao ngay bên cạnh giường để khi thức dậy bạn sẽ như được nhắc nhở phải tập thể dục. Bạn cũng có thể dành thời gian cho bản thân sau khi đưa con đến trường hoặc đi dạo sau giờ làm việc. Dần dần, khi thực hiện những việc này trong một thời gian và theo chu kỳ nhất định, chúng sẽ trở thành nề nếp.
Theo thời gian, nề nếp sẽ tự động hóa hành vi. Khi một thói quen trở thành tự động, "nó giải phóng năng lượng tinh thần để sau đó bạn có thể tập trung vào những thứ khác đòi hỏi nhiều thời gian hoặc năng lượng hơn," Phó giáo sư chia sẻ.
2. Tạo không gian gợi nhắc
Việc này có thể hiểu là khi ở trong một kiểu môi trường nhất định hay khi nhận được thông tin tương đồng (thông qua nghe, nhìn…), chúng ta sẽ được thúc giục làm việc gì đó. Trong thời gian mọi người đang ở nhà vì đại dịch, các tín hiệu thường thúc giục bạn làm điều gì đó hàng ngày (như bước vào văn phòng và cảm thấy sẵn sàng làm việc hoặc ghé qua phòng tập trên đường đi làm…) không có cơ hội xuất hiện. Trên thực tế, những người đang làm việc tại nhà có thể bị xao nhãng trước những dấu hiệu mà họ thường chỉ gặp vào cuối tuần như TV hay chiếc giường thân yêu.
Tạo ra các dấu hiệu gợi nhắc trong môi trường xung quanh sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Ví dụ, hãy sắp xếp một không gian làm việc riêng tư và yên tĩnh trong nhà. Bằng cách đó, bạn sẽ cảm thấy được thôi thúc và có tinh thần làm việc ngay khi bước chân vào không gian đó.
3. Tự thưởng cho mình một cách đúng đắn
Bà Park nói phần thưởng có thể làm tăng động lực nội tại hoặc mong muốn thực hiện một hành động. Những nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian của phần thưởng rất quan trọng. Về cơ bản, bạn phải kết hợp một hoạt động với một thứ gì đó mà bạn cảm thấy thích thú để thực hiện song song hoặc ngay sau đó.
Ví dụ, khi chạy trên máy chạy bộ, bạn có thể xem một chương trình Netflix yêu thích như một “phần thưởng”. Hoặc, bạn có thể thưởng thức một tách cà phê hoặc một miếng sô cô la trong khi đang giải quyết một công việc tẻ nhạt. Điều quan trọng là đảm bảo phần thưởng không được gây ảnh hưởng đến việc mình đang làm.
4. Suy nghĩ tích cực
Cảm xúc tích cực có tác động rất lớn đến động lực và năng suất của bạn. Chỉ cần làm những điều khiến bản thân thấy thích thú và thoải mái như xem những video hài hước hoặc trò chuyện với bạn bè trong lúc rảnh rỗi.
Nghiên cứu cho thấy rằng những cảm xúc tích cực có thể cải thiện hiệu suất của bạn trong công việc, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần, các mối quan hệ xã hội, sự đóng góp cộng đồng và thu nhập. Mặt khác, những cảm xúc tiêu cực “có xu hướng làm giảm sự tập trung và khiến bạn không muốn thoát ra khỏi vùng an toàn của mình”, bà nói.
5. Đừng quá khắt khe với bản thân
Có hai loại động lực chính: động lực nội tại, là làm điều gì đó vì sự thích thú thuần túy của bản thân, không quan tâm đến kết quả, phần thưởng hay thậm chí hình phạt; và động lực bên ngoài bị ảnh hưởng bởi phần thưởng hoặc hình phạt.
Bà Park nói: “Ban đầu, bạn có thể vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài mà làm điều gì đó. Dần dần, khi bạn thành thạo và làm giỏi việc đó, nó sẽ trở thành một phần năng lực bản thân và bạn thực sự cảm thấy có hứng thú khi làm việc đó. Đó chính là sự khác biệt.”
Theo bà, khi mọi người chịu áp lực từ những người xung quanh, lòng tự trọng và cái tôi của họ sẽ bị ảnh hưởng. Trong tâm lý học, điều này được gọi là tự điều chỉnh nội tâm. Khi điều này xảy ra, những cảm xúc tiêu cực sẽ cản trở họ đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết áp lực đến từ đâu và không quá khắt khe với bản thân.
6. Biết giới hạn của mình
Mọi người đôi khi cảm thấy không có động lực, vì vậy điều quan trọng là phải biết giới hạn của mình nằm ở đâu và điều chỉnh cho phù hợp để lấy lại động lực. Ví dụ, khi bạn cảm thấy làm việc quá sức hoặc kiệt sức và thiếu động lực, đó có thể là "tín hiệu kêu gào" rằng cơ thể bạn đang chạm ngưỡng chịu đựng và cần được nghỉ ngơi ngay lập tức.
Một nguyên nhân phổ biến khác cho việc thiếu động lực là nhận được phản hồi tiêu cực. Bà Park nói: “Việc này có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần khi chúng ta bị từ chối hoặc nhận được phản hồi tiêu cực, bị chỉ trích hoặc đánh giá không tốt. Trong những khoảnh khắc đó, bạn có thể cảm thấy cái tôi của mình như đang bị đe dọa. “Một cách để lấy lại động lực một cách tự nhiên là bỏ nó đi, làm những việc khác và quay lại sau,” bà nói.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một kế hoạch dự phòng thật cụ thể và cụ thể cho những thời điểm bạn cảm thấy động lực của mình giảm sút có thể có hiệu quả. Bà Park nói: “Hãy suy nghĩ trước trong đầu về những gì bạn sẽ làm. Khi mất động lực với việc đang thực hiện, bạn có thể để nó sang một bên và xử lý việc khác trước. Đến cuối cùng mới quay lại hoàn thành tiếp việc đang dang dở."
Trà Giang – Theo CNBC
GPO chuyên cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao về quản trị nhân sự, nâng cao kỹ năng quản lý, đào tạo kỹ năng huấn luyện, nâng cấp bộ kỹ năng mềm, kỹ năng bán hàng, hãy đăng ký ngay để được liên hệ tư vấn giải pháp của chúng tôi.
>> Xem thêm:
Giá như tôi biết 4 bài học thay đổi cuộc đời này những năm 20 tuổi
Không ngừng học hỏi để thành công - Việc học hoá nhẹ nhàng với 3 cách sau
Kỹ năng thuyết phục từ người đàm phán giỏi nhất của FBI
Bài viết liên quan
KHÓA KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
Trong 2 ngày 27-28/10/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt KHOÁ ĐÀO TẠO KỸ NĂNG BÁN HÀNG VÀ CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG tại tập đoàn OSG Nhật Bản.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG
Trong 2 ngày 27-28/7/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO QUẢN TRỊ CON NGƯỜI (PEOPLE MANAGEMENT) CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Trong ngày 19-20/7/2023 Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã trực tiếp đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo QUẢN TRỊ CON NGƯỜI CHO CÁC DOANH NGHIỆP