1
Bạn cần hỗ trợ?

Câu chuyện kinh doanh

Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản và bi quan về công việc kinh doanh hiện tại của mình. Lúc đó, hãy nhớ tới những câu chuyện kinh doanh hay, thú vị và bổ ích dưới đây nhé, có thể bạn sẽ thay đổi cảm xúc và đem lại tiếng cười cho mình sau khi đọc xong những câu chuyện này.


 

Câu chuyện 1: Kinh doanh giày

 

Nhiều năm trước, hai nhân viên kinh doanh được một nhà sản xuất giày ở Anh gửi tới châu Phi để tìm hiểu tiềm năng thị trường và báo cáo lại.

 

+ Người thứ nhất cho biết: “Thị trường không có tiềm năng – không ai mang giày cả”.

 

+ Người thứ hai cho biết: “Thị trường có tiềm năng to lớn – không ai mang giày cả”.

 

Bài học rút ra: Mỗi tình huống, trường hợp đều đi kèm cả thuận lợi và khó khăn. Người kinh doanh giỏi là người nhìn thấy thuận lợi trong khó khăn và biết cách tận dụng nó.

 

Câu chuyện 2: Người bán gà quay

 


Người bán gà quay đã có ngày làm việc cực kỳ tốt. Anh ta tự hào nhấc con gà cuối cùng lên cân và quay lại nói với khách hàng: “Con này giá 6,35 USD”.

 

Mức giá hợp lý đấy nhưng con này hơi nhỏ”, người phụ nữ mua hàng đáp. “Anh không có con nào lớn hơn à?

 

Sau một hồi suy nghĩ, người bán hàng nhanh chóng cất con gà vào tủ đồ ăn, dừng lại một vài giây, rồi lại lấy nó ra.

Con này nặng hơn chút. Giá 6,65 USD”, người bán gà rụt rè đáp.

 

Người phụ nữ cân nhắc một chút rồi đưa ra quyết định cuối cùng: “Ồ, tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ lấy cả hai con”.

 

Bài học rút ra: Đừng lừa dối khách hàng, vì bạn không bao giờ biết điều gì đang đợi mình phía trước.

 

Câu chuyện 3: Mua bát đĩa

 

Một cặp vợ chồng nọ đi dạo qua các cửa hàng. Người vợ nhìn thấy một bộ đồ ăn cao cấp và tỏ ý muốn mua. Ông chồng chê món đồ đó đắt đỏ nên không muốn chi tiền. Người bán hàng xem qua rồi nói nhỏ một câu với người chồng. Sau khi nghe xong, ông không còn do dự, liền lập tức bỏ tiền ra mua.

 

Tại sao người chồng lại thay đổi nhanh chóng này đến như vậy?

 

Bởi vì người bán hàng đã nói: “Bộ đồ ăn này quý như thế, vợ của anh sẽ không nỡ để anh rửa đâu”.

 

Bài học rút ra: Quan điểm của khách hàng rất khó thay đổi, quan trọng là cần biết tận dụng thời cơ để thay đổi tâm lý khách hàng.

 

Câu chuyện 4: Người bán sữa bò rong

 

Có một vị khách đi mua sữa bò vào một sáng cuối tuần.

 

Khi đang đi thì gặp người gánh hàng rong đang bán sữa bò ở ven đường, anh tiến đến và hỏi giá. Người bán hàng rong trả lời: “1 chai 3 đồng, 3 chai 10 đồng”.

 

Anh không nói gì liền lấy trong túi ra 3 đồng để mua 1 chai, rồi mua thành 3 lần. Mua xong anh ta rất đắc ý cười lớn nói với người bán hàng rong: “Ông có thấy không, tôi chỉ trả 9 đồng đã mua được 3 chai sữa”.

 

Người bán hàng rong không nói gì, chỉ mỉm cười và thầm nghĩ: “Hay thật! Từ khi áp dụng phương pháp tính giá này, chỉ một thoáng mình đã bán được 3 chai sữa”.

 

Bài học rút ra: Muốn bán được nhiều hàng cần nắm rõ tâm lý khách hàng, từ đó sáng tạo ra phương thức bán hàng độc đáo.

 

Câu chuyện 5: Người ăn xin mù

 

Người đàn ông mù ngồi tại một góc phố bận rộn trong giờ cao điểm. Bên cạnh ông là một chiếc cốc đựng tiền và tấm bìa cứng có ghi dòng chữ: “Tôi bị mù. Xin hãy giúp tôi”.

 

Người qua đường vẫn vội vã di chuyển, không ai cho tiền người mù.

 

Một nhân viên quảng cáo trẻ tuổi đi qua và nhìn thấy người mù già cả với chiếc cốc rỗng. Cô cũng nhận ra mọi người hoàn toàn không có phản ứng gì trước sự hiện diện của người mù, chứ chưa nói đến việc dừng lại cho tiền.

 

Nhân viên quảng cáo lấy một chiếc bút từ trong túi áo, xoay ngược tấm bìa cứng của người mù từ trước ra sau, viết vài dòng lên đó rồi rời đi. Ngay lập tức, mọi người bắt đầu thả tiền vào chiếc cốc. Chẳng mấy chốc, tiền tràn ra bên ngoài.

 

Lúc này, người mù quay sang nhờ một người lạ mặt đứng cạnh mình, giải thích xem trên tấm bìa viết gì.

 

Người lạ mặt cho biết: “Tấm bìa viết rằng ‘Hôm nay là một ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy điều ấy, còn tôi thì không’.

 

Bài học rút ra: Nhiều khi chỉ cần chọn lựa ngôn ngữ quảng cáo thích hợp, bạn đã có thể kết nối và thay đổi hành vi của khách hàng.

 

Câu chuyện 6: Kén rể

 

Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác!

 

Bài học rút ra: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

 

Câu chuyện 7: Iphone

 

IPhone 7 thì sao? Họ chỉ bán bản 32GB, 128GB, 256GB.

 

Với máy ảnh chụp ảnh và quay phim 4K, bộ nhớ 32GB là quá nhỏ, bản 64GB sẽ hợp lý hơn nhưng… không có. Hầu hết mọi người lại “cố gắng” lên đời bản 128GB đắt hơn hẳn $100, vậy là Apple tăng doanh số 1 cách rất tự nhiên.

 

Đây được gọi là UPSELL bằng RAVING FANS. Đã là Fans, tiền không còn là vấn đề.

 

Bài học rút ra: Hãy biến khách hàng thành fan trung thành với sản phẩm của bạn

 

Câu chuyện thứ 8: Bia Budweiser

 

Ở Mỹ họ có chiêu thức bán hàng rất quái. Vào 7 Elevent mua bia, nhìn thấy 2 bịch Budweiser. 1 bịch 12 lon giá $17, 1 bịch 18 lon giá $18. Không phải nghĩ, xách luôn bịch 18 lon ra tính tiền. Mua xong mới nhận ra mình đã mua nhiều hơn bình thường. Doanh số bán hàng của Budweiser bỗng dưng tăng gấp rưỡi chỉ vì chính sách đặt giá. Bịch 12 lon chỉ là ĐẠO CỤ BÁN HÀNG.

 

Đây được gọi là UPSELL bằng COMBO. Họ cho khách hàng quyền lựa chọn nhưng không có lựa chọn nào là KHÔNG.

 

Vì chúng ta thích chọn mua chứ không thích bị bán hàng.

 

Bài học rút ra: Hãy cho khách hàng lựa chọn, nhưng không có lựa chọn nào là không.

 

Câu chuyện thứ 9: Sói, gấu và cáo

 

Ba con thú dữ là sói, gấu và cáo thay nhau ức hiếp đàn dê. Dê đầu đàn bèn nói với cả bầy: “Ta nên mời một trong ba gã sói, gấu hay cáo làm thủ lĩnh của chúng ta”. Cả đàn dê bất bình, nhưng ba “hung thần” nghe tin này rất mừng. Thế là chúng quay sang tranh giành nhau quyền lãnh đạo, cuối cùng cáo dùng bẫy hại chết được sói và gấu. Nhưng rồi một mình nó không còn ức hiếp đàn dê được nữa.

 

Bài học rút ra: Hãy thận trọng khi nghe tin bạn sắp được làm sếp!

 

Câu chuyện thứ 10: Chàng và nàng

 

Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau.

 

Bài học rút ra: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong … bao lâu!

 

Câu chuyện thứ 11: Chú chim nhỏ

 

Một con chim nhỏ bay về phương Nam tránh rét. Trời lạnh quá con chim bị lanh cứng và rơi xuống một cánh đồng lớn. Trong lúc nó nằm đấy, một con bò đi qua ỉa vào người nó. Con chim nằm giữa đống phân bò nhận ra rằng nó đang ấm dần. Đống phân đã ủ ấm cho nó. Nó nằm đấy thấy ấm áp và hạnh phúc, nó bắt đầu cất tiếng hót yêu đời. Một con mèo đi ngang, nghe tiếng chim hót liền tới thám thính. Lần theo âm thanh, con mèo phát hiện ra con chim nằm trong đống phân, nó liền kéo con chim ra ăn thịt.

 

Bài học rút ra: Không phải ai “đi nặng” vào người mình cũng là kẻ thù của mình. Không phải thằng nào kéo mình ra khỏi đống phân cũng là bạn mình

 

Câu chuyện thứ 12: KFC

 


Ở KFC, khi bạn mua gà rán, nhân viên sẽ đề nghị thêm Pepsi, ly nhỏ xíu giá 15K. Nhưng bao giờ cũng vậy, họ sẽ hỏi “Anh (chị) có muốn thêm 3K để lấy ly lớn hơn không?” (Ly lớn là lớn gấp 2 luôn) vậy là mình gật đầu cho ly lớn.

 

Đây được gọi là UPSELL bằng BÁN CHÉO. Vì thời điểm bán hàng dễ nhất là lúc khách hàng vừa đồng ý mua món hàng đầu tiên.

 

Hãy nhớ, Mc Donald chỉ dạy nhân viên nói câu “Quý khách dùng thêm khoai tây chiên chứ?” và mỗi ngày họ bán thêm được 4 triệu kg khoai.

 

Bài học rút ra: Thời điểm bán hàng dễ nhất là lúc khách hàng vừa đồng ý mua món hàng đầu tiên.

 

Câu chuyện thứ 13: Sáng tạo trong bán hàng

 


Chuyện kể là đàn ông Hàn Quốc rất sung mãn, đến 70 tuổi mà họ vẫn có nhu cầu khá cao về chuyện chăn gối. Điều này cũng kéo theo lượng tiêu thụ của bao cao su tại nước này rất lớn. Nhưng có một vấn đề là, đến tiệm thuốc mua bao cao su đã ngại rồi, gần 70 tuổi đi mua thì còn ngại hơn nữa, nên rất nhiều người đàn ông bị đưa vào thế tiến thoái lưỡng nan dẫn đến việc bán bao cao su bị trì trệ một thời gian.

 

Để giải quyết tình trạng này các nhà thuốc đã nghĩ ra một phương pháp, họ gộp chung một hộp bao cao su vào hộp xà bông tắm như món quà tặng kèm rồi đem bày bán. Thế là mỗi khi khách hàng đến chỉ cần nói “Tôi muốn mua xà bông” là chủ tiệm sẽ hiểu thứ họ cần thực sự là gì. Như vậy không chỉ khách đỡ ngượng mà tiệm thuốc còn bán được thêm cả xà bông tắm ngoài bao cao su nữa.

 

Bài học rút ra: Không chỉ nắm bắt nhu cầu mà còn phải hiểu cả hành vi của khách hàng và tìm ra những cách thức sáng tạo để tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu của họ. Muốn thế bạn buộc phải nghiên cứu rất kỹ về các yếu tố văn hóa – xã hội, những thói quen của tập khách hàng mục tiêu để lên chiến lược phù hợp.

 

Câu chuyện thứ 14: Nhân viên và sếp

 


Một nhân viên bán hàng, một thư ký hành chính và một sếp quản lý cùng đi ăn trưa với nhau, họ bắt được một cây đèn cổ. Họ xoa tay vào đèn và thần đèn hiện lên. Thần đèn bảo: “Ta cho các con mỗi đứa một điều ước”.

 

Tôi trước! Tôi trước! – Cô thư ký hành chính nhanh nhảu nói: Tôi muốn được ở Bahamas lái canô và quên hết sự đời. Vút. Cô thư ký biến mất. Tôi!

 

Tôi! anh nhân viên bán hàng nói: Tôi muốn ở Hawaii nằm dài trên bãi biển có nhân viên massage riêng, nguồn cung cấp Pina Coladas vô tận và với người tình trăm năm. Vút. Anh nhân viên bán hàng biến mất.

 

Ok tới lượt anh. Thần đèn nói với ông quản lý. Ông quản lý nói: tôi muốn hai đứa ấy có mặt ở văn phòng làm việc ngay sau bữa trưa.

 

Bài học rút ra: luôn luôn để sếp phát biểu trước.

 

Câu chuyện thứ 15: Phòng tắm bị cháy

 

Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt.

 

Bài học rút ra: Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.

 

Câu chuyện thứ 16: Nhân viên vệ sinh

 


Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa.

 

Bài học rút ra: Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.

 

Câu chuyện thứ 17: Gà tây và bò tót

 


Gà tây chợt nảy ra ý tưởng liền nói với Bò tót:

– Anh Bò tót ơi, tôi muốn nhảy lên ngọn cây kia nhưng tôi không đủ sức.

Nghe xong, Bò tót khuyên:

– Vậy thì rỉa phân tôi đi.

 

Gà tây thấy ý kiến của Bò tót không tồi nên bắt đầu rỉa phân của Bò tót và thấy thực sự đủ sức để nhảy lên cành cây thứ nhất. Ngày tiếp theo, sau khi mổ một ít phân bò, Gà tây đã nhảy được đến cành thứ hai. Cứ thế đến nửa tháng sau, Gà tây đã lên tới ngọn cây. Nhưng không lâu sau đó, Gà tây đã bị một bác nông dân bắn rơi.

 

Bài học kinh doanh: Có ý tưởng là một điều đáng mừng, nhưng nếu là một ý tưởng tồi thì sự ngu ngốc chỉ có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng lại không thể giữ bạn ở đó mãi.

 

Câu chuyện thứ 18: Thỏ và rùa

 


Chuyện kể trong rừng xanh, có một con thỏ và một con rùa cãi nhau xem ai nhanh hơn. Vì thế, chúng quyết định đưa ra giải pháp cuối cùng là hai con cùng chạy đua xem ai chạy nhanh hơn. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.

 

Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng một hồi. Sau khi thấy mình chạy khá xa so với nên Thỏ nghĩ nếu nó nghỉ ngơi, thư giãn dưới bóng mát của một tán cây bên đường một lúc rồi mới tiếp tục chạy về đích thì Rùa vẫn còn lâu mới đuổi kịp nó.

 

Nghĩ vậy, Thỏ liền nằm nghỉ dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua Thỏ và nhanh chóng chạy về đích, kết thúc cuộc đua và giành chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra nó đã thua Rùa chậm chạp.

 

Bài học kinh doanh: Thói vội vàng, nhanh chóng trong kinh doanh dễ khiến con người ta thất bại chỉ trong chớp mắt. Chậm và ổn định mới là phương thức chạm tới chiến thắng trong một cuộc đua.

 

Câu chuyện thứ 19: Chuyện lũ chuột ham ăn và con chó

 


Một lũ chuột trèo lên bàn định ăn vụng thịt nhưng lại hoảng hốt vì thấy con chó của chủ nhà nằm cạnh bàn thức giấc. Chúng bèn nghxi kế và dịu ngọt thương lượng với con chó:

– Này anh chó, nếu anh im lặng thì chúng tôi sẽ chia cho anh một miếng thịt, anh đồng ý chứ?

Chó nghiêm mặt, từ chối thẳng thừng:

– Bọn mày mau cút đi! Bà chủ mà thấy thịt mất thì chắc chắn sẽ nghi ngờ ta. Lúc ấy ta lại trở thành miếng thịt trên bàn chứ chẳng chơi!

 

Bài học kinh doanh: Đừng vì một chút lợi ích nhỏ mà kinh doanh gian dối suốt cả cuộc đời, hãy kinh doanh có tâm vì bạn chẳng biết lúc nào sự nghiệp của mình rơi xuống hố đâu!

 

Câu chuyện thứ 20: Cá kiếm và mèo

 


Cá kiếm có bộ răng rất chắc và sắc. Vào một ngày nọ, nó bỗng giở chứng, đòi hỏi “tuyệt kỹ” của mèo là bắt chuột.

Mèo ngạc nhiên hỏi:

– Cái gì? Ôi, bạn thân mến của tôi, anh có thể làm được việc đó sao?

– Bắt chuột thì có gì ghê gớm. Ngoài biển tôi chả bắt cá lô suốt ngày sao?

– Thôi được, anh đừng quên là tôi đã cảnh cáo anh rồi đấy.

 

Nói rồi mèo và cá kiếm mò vào kho và mai phục.

 

Chỉ một lúc sau mèo đã bắt được chuột. Sau khi chơi đùa thoả thích rồi ăn một bữa no nê, mèo ta mới nhớ đến cậu bạn cá kiếm của mình. Khốn khổ thay, lúc đó cá kiếm đã bị chuột gặm hết cả đuôi, chỉ còn thở thoi thóp. Thấy vậy, mèo bèn đỡ cá kiếm dậy, thả nó trở lại biển khơi.

 

Bài học kinh doanh: Mọi người thường nói, người ngoài thì đừng có nói đến chuyện trong nghề. Trên thương trường cũng có rất nhiều công ty cho rằng đã làm rất tốt trong lĩnh vực của mình rồi và muốn lấn sân sang lĩnh vực khác mà không tự trang bị cho mình kỹ năng cạnh tranh cơ bản. Bởi vậy, thất bại là điều không thể tránh khỏi.

 

Câu chuyện thứ 21: Chuyện người thợ rèn làm mũ cho vua, nhổ gai cho hổ

 


Có người thợ rèn nọ thường gánh đồ nghề đi khắp làng để sửa chữa đồ dùng cho mọi người. Vì ông làm việc khéo léo, lại tốt bụng và lấy giá phải chăng nên có rất đông khách hàng, cũng nhờ thế mà một mình ông có thể nuôi cả gia đình.

 

Một hôm, khi ông đang gánh đồ nghề làm việc như mọi hôm thì nghe tin hoàng thượng sắp đi qua đây, ông bèn vội tránh vào vệ đường và quỳ rạp xuống. Không ngờ, ông có cảm giác như là tiếng vó ngựa rất gần mình. Ông tò mò ngẩng lên thì thấy ngự giá của hoàng thượng đang ở ngay trước mặt.

 

Thấy sắc mặt ông tái mét, Hoàng thượng liền lên tiếng rằng ông không có tội, chỉ là khi đi ngang qua người thợ rèn, thấy ông có gánh đồ nghề nên nghĩ ông là người thợ sửa chữa. Lúc này vương miện của hoàng thượng đang có mấy chỗ lỏng lẻo vì xe quá xóc nên ngài quyết định đỗ lại để sửa vương miện.

 

Người thợ rèn vội quỳ xuống bắt đầu sửa vương miện. Nhà vua thấy tay nghề của ông giỏi nên rất ưng ý, thưởng ngay cho ông một trăm lạng bạc. Người thợ rèn sung sướng đa tạ đức vua và vội vàng trở về nhà, nhưng trên đường ông lại nhìn thấy có một con hổ ở bên vệ đường. Ông vô cùng sợ hãi và toan bỏ đi nhưng rồi lại định thần lại. Con hổ đang giơ cao một chân trước lên, nét mặt lộ rõ vẻ đau đớn.

 

Ông lấy hết can đảm tiến về phía con hổ, phát hiện chân nó bị một cái gai rất to đâm vào. Ông nhanh chóng lấy dụng cụ ra, giúp con hổ bỏ cái gai đó đi. Con hổ tỏ ra biết ơn và đền ơn ông bằng một con hươu rất to. Vì lẽ đó, người thợ rèn cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện. Từ hôm đó, ông quyết định không gánh đồ nghề đi khắp làng nữa mà treo một cái biển to trước cửa nhà với nội dung: “Chuyên sửa mũ cho vua, nhổ gai cho hổ”.

 

Nhưng cũng từ đó, việc làm ăn của ông ngày càng sa sút, khiến gia đình thêm khốn đốn.

 

Bài học kinh doanh: Cơ hội là thứ đáng để nắm lấy, nhưng lúc nào cũng chỉ trông chờ vào cơ hội để mong cho công việc kinh doanh của mình phất lên thì điều này là không thể và chỉ dành cho những kẻ ảo tưởng. Có năng lực, muốn thành công trên thương trường phải có chiến lược rõ ràng. Xác định mục tiêu khách hàng và chiều theo nhu cầu khách hàng thì công việc kinh doanh mới tồn tại được.

 

Câu chuyện thứ 22: Mèo đen mời khách

 


Mèo đen mời sơn dương đến nhà dùng bữa. Sơn dương khoái lắm, bèn vác bụng rỗng đến chỗ mèo đen. Mèo đen đã chuẩn bị một bữa ăn thật thịnh soạn: nào là thịt chuột nướng, da chuột chiên xì dầu, đầu chuột chiên dòn, chân chuột nướng… để thiết đãi.

 

Thấy sơn dương đến, mèo đen mừng lắm, vồn vã mời sơn dương ăn, và mình cũng ngồi ăn ngon lành.

 

Sơn dương cũng ngồi yên một chỗ, dù bụng đang đói cồn cào, vì nó chẳng hề hứng thú gì với mấy món này. Sơn dương ngập ngừng nói:

 

– Tôi không ăn thịt chuột bao giờ cả!

 

Nói rồi, sơn dương bèn ra ngoài vườn ngấu nghiến gặm cỏ. Mèo đen chợt hiểu ra vấn đề, cười phá lên. Còn sơn dương thì vừa chén cỏ vừa sung sướng kêu ‘be be’ để cảm ơn thịnh tình của mèo đen.

 

Bài học kinh doanh: Nhu cầu của khách hàng rất phong phú. Một công ty nọ cho ra đời sản phẩm mới, và cứ đinh ninh rằng khách hàng sẽ thích nó. Đó thực là một quan niệm sai lầm. Nếu bạn đứng trên lập trường của khách hàng để suy nghĩ vấn đề thì điều này có xảy ra không?

 

Câu chuyện thứ 23: Thỏ già và thỏ trẻ

 


Một ngày nọ, thỏ già nhìn thấy thỏ trẻ đang chạy hớt ha hớt hải bèn gọi lại hỏi chuyện:

 

– Tại sao cháu lại chạy loạn lên thế?

– Bác không biết là mùa săn bắn đã đến rồi sao?

– Chàng trai ạ, ta có một cách để giải quyết việc đó. Cháu hãy biến mình thành một cây to, dù người thợ săn có đi qua cũng không thể bắn cháu được, vì họ cứ tưởng cháu là một cái cây.

– Cách này thật tuyệt! Sao trước đây cháu không nghĩ ra nhỉ? Cám ơn bác nhiều lắm.

Thỏ già lại nhẹ nhàng rảo bước trong rừng. Được một lúc nó nghe tiếng thỏ trẻ đuổi theo:

 

– Bác ơi, nhưng làm thế nào để biến được thành một cái cây?

 

Thỏ già đứng lại, nhún vai nói:

 

– Chàng trai, ta đã đưa cho cháu một cách tốt, cháu phải cảm ơn ta chứ không nên làm phiền ta bằng những câu hỏi đó. Cháu nên tự mình suy nghĩ mới phải chứ.

Bài học kinh doanh: Trong kinh doanh, thực tế cho thấy, một chiến lược được vạch ra rất tốt nhưng lại không được triển khai thực hiện cho tốt, thì chiến lược đó cũng không có giá trị gì cả.

 

Câu chuyện thứ 24: Quan huyện

 


Ngày xưa, có viên quan nọ về nhận chức ở Kinh Châu. Tại đó thường có một con hổ dữ, từ trên núi xuống bắt người và súc vật ăn thịt.

 

Dân chúng cầu xin viên quan tìm cách bắt hổ. Viên quan nọ bèn sai khắc chữ to mệnh lệnh của mình: “Cấm hổ vào thành” trên vách núi cao. May thay, gặp đúng dịp đó con hổ dữ kia dời khỏi Kinh Châu. Ông ta rất đắc ý, cho rằng mệnh lệnh của mình quả thực hiệu nghiệm.

 

Không lâu sau, ông ta được phái tới nhận chức ở nơi khác. Dân chúng nơi này rất hung dữ, bất trị. Viên quan nghĩ, lệnh của mình đã cấm được cả hổ dữ, thì lý gì lại không cấm được người! Nghĩ vậy, ông ta bèn ra lệnh cho lính lại, theo kiểu chữ to mà đã khắc lệnh của ông lên vách núi cao. Kết quả là dân không trị được, còn viên quan thì mất chức vì… không quản được dân.

 

Bài học kinh doanh: Rất nhiều công ty đều có lịch sử kinh doanh thành công và kiếm được nhiều lợi nhuận từ phương pháp đó. Nhưng khi một môi trường mới xuất hiện, tâm lý tiêu dùng thay đổi, thì bí quyết thành công kia lại trở lên lỗi thời.

 

Công ty nào cũng có phương thức kinh doanh riêng, nhưng khi thị trường thay đổi, thì công ty cũng phải điều chỉnh cách thức kinh doanh sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bởi vì thị trường luôn luôn đúng!

 

Câu chuyện 25: Con sói và bầy cừu

 


Có một người chăn cừu quyết định đưa đàn cừu của mình lên sống ở phía bắc. Lúc đầu, khí hậu rất thích hợp cho đàn cừu, nên chúng sống rất phởn phơ, thoải mái. Cũng chính vì thế mà lũ cừu trở lên lười biếng.

 

Rồi mùa đông đến, nhiệt độ xuống rất thấp, khiến lũ cừu không thể chịu đựng nổi, nhiều con đã chết rét. Người chăn cừu rất lo lắng.

 

Anh ta suy nghĩ mãi, rồi đưa ra một giải pháp có vẻ liều lĩnh: thả vài con sói vào bầy cừu. Lúc này, bầy cừu cảm thấy tính mạng của chúng đang bị đe doạ nên không ngừng chạy chốn sự truy đuổi của bầy sói. Chính sự vận động ấy đã giúp chúng chống lại cái rét, và số cừu chết ít hơn trước đây khá nhiều.

 

Bài học kinh doanh: Có thể thấy, chính những mối nguy hiểm lại khiến chúng ta sống tốt hơn. Một công ty cũng vậy, chỉ có thể sống mạnh mẽ hơn khi luôn có ý thức về nguy cơ trong công việc để không quá chìm đắm trong thành công. Nhưng điều quan trọng là bạn phải biết kiểm soát những nguy cơ này để nó chỉ mang đến điều có lợi, nếu không đàn sói sẽ ăn hết đàn cừu của bạn khi bạn không để ý đến.

 

Câu chuyện thứ 26: Giá trị

 


Lừa con hỏi lừa bố: “Tại sao ngày nào chúng ta cũng phải ăn cỏ, mà mấy con bò sữa lại được ăn thức ăn ngon như vậy ạ?”. Lừa bố trả lời : “Vì chúng ta kiếm ăn nhờ sức lực, còn chúng dựa vào ngực để kiếm ăn.

 

Bài học rút ra: Giá trị là quan trọng, nhưng giá trị sử dụng thì quan trọng hơn.

 

Câu chuyện thứ 27: Phú ông chọn vợ

 


Có một phú ông muốn tổ chức chọn vợ. Sau một thời gian dài tuyển chọn mới có 3 nàng được tham gia vào vòng cuối cùng. Phú ông đưa cho 3 nàng mỗi người một nghìn đồng và nói rằng các nàng hãy đi mua một thứ gì khiến nó tràn ngập gian phòng.

 

Nàng A mua rất nhiều bông khiến ½ không gian của phòng tràn ngập bông.

 

Nàng B mua rất nhiều bóng bay và làm tràn ngập ¾ gian phòng.

 

Nàng C mua một ngọn nến đã làm cho gian phòng ngập tràn ánh sáng.

 

Cuối cùng, nàng C chính là người được phú ông chọn lựa.

 

Bài học rút ra: Hiểu rõ nhu cầu chân thật nhất của khách hàng là điều phi thường trọng yếu.

 

Câu chuyện thứ 28: Sóc và sư tử

 


Một con sóc chồn muốn quyết chiến với sư tử.

 

Tuy nhiên, sư tử lại nhất quyết cự tuyệt. Sóc chồn nói: “Ngươi sợ sao?

 

Sư tử liền đáp: “Nếu như ta cùng ngươi tỷ thí, ngươi có thể đạt được danh tiếng bởi vinh hạnh được ‘cùng sư tử luận võ’ chẳng hạn

 

Sư tử nói tiếp: “Tuy nhiên, khi đó danh tiếng của ta sẽ không còn nữa, sau này các loài động vật sẽ cười ta vì ta lại cùng sóc chồn đánh nhau”.

 

Bài học rút ra: Không nên bị dẫn động bởi những thứ không quan trọng, bí quyết của thành công là cần bám sát mục tiêu, không nên lãng phí thời gian vào những việc vô bổ.

 

Câu chuyện thứ 29: Chiếc quần

 


Alice mua một chiếc quần để diện. Sau khi mặc thử thấy quá dài, cô bèn nhờ bà nội của mình cắt giúp gấu quần, nhưng vì bà nội nói rất bận; cô bèn tìm mẹ, nhưng mẹ lại nói không rảnh; cô đành đi tìm chị gái, thế mà chị gái lại càng không rảnh.

 

Alice thất vọng và lên giường đi ngủ.

 

Bà nội, sau khi xong hết công việc nội trợ bề bộn, bèn nhớ đến chiếc quần của cháu gái, bà đem xén bớt gấu quần cho cháu mình.

 

Sau đó, chị gái trở về liền đem chiếc đã quần xén rồi và xén tiếp.

 

Cuối cùng, mẹ của Alice khi về đến nhà cũng đem quần đã xén rồi đi xén tiếp. Hậu quả là chiếc quần của Alice không thể mặc được nữa.

 

Bài học rút ra: Quản lý không tốt sẽ rất tai hại. Đối với những yêu cầu của bản thân, chúng ta không nên phó mặc mà cần thật sự để tâm tới.

 

Câu chuyện thứ 30: Nhân viên bán hàng

 


Một thanh niên mới được tuyển vào bán hàng cho một cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Khi ngày làm việc đầu tiên của anh ta kết thúc, ông chủ tiến lại và hỏi anh ta:

 

– Anh đã bán hàng hoá cho bao nhiêu người trong ngày đầu tiên hôm nay?

– Chỉ một người thôi – Người bán hàng mới trả lời.

– Cái gì, chỉ một người thôi sao – Ông chủ thốt lên bực tức – Hầu hết các nhân viên của tôi đều bán được hàng ít nhất cho 20 hoặc 30 người trong một ngày. Thế tổng số tiền thu được là bao nhiêu?

– Dạ thưa, khoảng xấp xỉ 100 ngàn USD.

– 100 ngàn USD cơ à – Ông chủ vui mừng reo lên – làm sao chỉ một người mà cậu lại bán được nhiều hàng thế?

 

Nhân viên bán hàng mới kể lại:

 

– Khi người đàn ông đó đến, tôi bán cho ông ta một cái lưỡi câu nhỏ, sau đó tôi khuyên ông ta nên mua thêm một cái lưỡi câu loại trung bình và một cái lưỡi câu loại lớn. Sau khi ông ta mua xong lưỡi câu, tôi lại khuyên ông ta nên mua thêm dây câu, loại nhỏ, loại nhỡ và loại to để câu các loại cá khác nhau.

 

Tôi hỏi ông ta rằng ông ta sẽ đi câu ở đâu, ông ấy trả lời rằng ông ấy sẽ đi câu ở ven biển. Tôi nói với ông ấy là ông ấy có lẽ nên mua một cái xuồng máy và tôi đã đưa ông ta sang khu bán xuồng máy và bán cho ông ta cái xuồng hiện đại với 2 động cơ.

 

Sau khi mua xuồng xong ông ta nói rằng chiếc ô tô con của ông ta nhỏ quá cho nên không thể chở chiếc xuồng được và vì vậy tôi lại đưa ông ta đến khu bán ô tô và bán cho ông ta một cái xe tải để chở xuồng ra biển. Nghe xong, ông chủ vô cùng hài lòng với tay nhân viên mới của mình. Ông nói giọng đầy hâm mộ:

 

– Như vậy là anh đã thuyết phục và bán cho ông ta tất cả mọi thứ đó khi mà lúc đầu ông ta đến chỉ định mua một cái lưỡi câu, anh thật là một nhân viên bán hàng giỏi.

– Không, thực ra không hẳn vậy – Người bán hàng giải thích – Lúc đầu, ông ta đến chỉ định mua ít viên thuốc cảm cho vợ. Nhưng tôi nói với ông ta rằng “Tuần này vợ ông bị cảm cúm như vậy, ông ở nhà mà làm gì, tôi khuyên ông nên đi câu”.

 

Bài học rút ra: Kinh doanh thành công là biết tạo ra nhu cầu cho khách hàng, chọn đúng khách hàng mục tiêu và biết họ cần gì để phục vụ kịp lúc.

Luong Tran - theo bstyle.vn

Bài viết liên quan

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 27-28/7/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 14-15/3/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO NHÀ QUẢN LÝ

Chương trình đào tạo giúp chuyên nghiệp hóa năng lực của các nhà quản trị cấp cao, bổ khuyết những năng lực, góc nhìn thiết yếu cho ban lãnh đạo, điều hành trong thời kỳ mới


Bản quyền thuộc về GPO. Thiết kế website bởi Tâm Phát