1
Bạn cần hỗ trợ?

Bài học tuyển dụng cho ứng viên từ "RAP VIỆT"

Ngỡ như một chương trình thực tế về âm nhạc, cụ thể ở đây là Rap – một thể loại mang đậm âm hưởng đường phố, phóng khoáng, cá tính, đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ không có điểm chạm với lĩnh vực mang nhiều cảm giác về sự khuôn khổ, “văn phòng” là tuyển dụng; thế nhưng từ Rap Việt, người ta vẫn có thể nhìn ra những kinh nghiệm hay ho khi đi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.


Rục rịch lên sóng từ ngày 01/08/2020, sau hơn 1 tháng diễn ra, Rap Việt đang chiếm thế thượng phong trở thành show truyền hình HOT nhất hiện nay. Từ MC nổi tiếng Trấn Thành, dàn Huấn luyện viên (HLV) so cool “gạo cội” trong làng Rap: Suboi, Wowy, Karik, Binz, cùng 2 Giám khảo dễ thương Rhymastic và Justatee cho đến đội ngũ thí sinh chất lượng, tài năng, tất cả đã và đang làm nên một mùa Rap Việt lôi cuốn, đã mắt, đã tai, khác biệt so với những gameshow hiện có. Việc liên tục nằm trong top trending của Youtube, thậm chí tập 2 của chương trình chỉ mất 20h để leo lên top 1 trending, lấy ngôi vương từ… tập 1, chính là minh chứng rõ nhất cho thấy Rap Việt được khán giả đón nhận ra sao. 
 

 

Ngỡ như một chương trình thực tế về âm nhạc, cụ thể ở đây là Rap – một thể loại mang đậm âm hưởng đường phố, phóng khoáng, cá tính, đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ không có điểm chạm với lĩnh vực mang nhiều cảm giác về sự khuôn khổ, “văn phòng” là tuyển dụng; thế nhưng từ Rap Việt, người ta vẫn có thể nhìn ra những kinh nghiệm hay ho khi đi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.
 

 

1. BẢN CHẤT TƯƠNG ĐỒNG NHAU
 

 

Có thể nói, bản chất luật chơi của Rap Việt và những cuộc phỏng vấn tuyển dụng đều có nét tương đồng. 
 

 

Ở Rap Việt, thí sinh khi bước ra sân khấu đều có từ 4-5 phút trên sân khấu thể hiện tài năng để thuyết phục các HLV lựa chọn mình vào team cho những vòng thi đấu sau. 
 

 

Đối với vòng phỏng vấn, các ứng viên cũng có một khoảng thời gian nhất định thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp trước nhà tuyển dụng để thuyết phục họ lựa chọn bạn vào với đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp. 
 

 

Cùng là việc phải thể hiện tài năng, kinh nghiệm để được lựa chọn đi tiếp trước HLV và nhà tuyển dụng, vì thế, thí sinh Rap Việt và ứng viên nhận thức được rằng họ cần biết cách gây ấn tượng tốt bằng thái độ chuyên nghiệp, kỹ năng đầy đủ cùng kinh nghiệm làm nghề nhất định. 
 

 

2. GIỚI THIỆU BẢN THÂN: KHÔNG CÓ ĐIỂM NHẤN SẼ THÀNH ĐIỂM YẾU
 

 

Trong chương trình Rap Việt, trước khi bước vào phần thi chính thức, thí sinh sẽ có 1-2 phút trò chuyện cùng MC Trấn Thành, giới thiệu những thông tin cá nhân đa dạng tuỳ vào cách lựa chọn của mỗi người. Ngoài thông tin về tên tuổi, quê quán, những rapper còn có thể bắt đầu câu chuyện bằng lý do mình lựa chọn dòng nhạc; những cảm xúc ẩn sâu bên trong vẻ ngoài gai góc hay những lý giải về một vài hình xăm trên cơ thể;… Tất cả đều có thể mang lại những ấn tượng tích cực ban đầu dành cho các HLV.
 

 

Không phải ngẫu nhiên, sau phần giới thiệu của Duy Andy – chàng beatboxer sở hữu đam mê cháy bỏng dành cho hip hop nói chung và dòng nhạc rap nói riêng, bộ 6 quyền lực đã tự động “đổ gục”. Dù đang phần chia sẻ chưa trình diễn nhưng Wowy quyết định đạp chân ga để chọn thí sinh này. Hành động này khiến MC Trấn Thành “hốt hoảng” và phải hỏi đi hỏi lại. Ngay sau đó, Suboi cũng đạp ga và khẳng định: “Không phải thử đâu nha”. Karik cũng nhanh chóng lên tiếng: “Khi bạn bước lên là đã thích rồi…”.
 

 

Bài học rút ra: Có thể nói ấn tượng ban đầu là điều vô cùng quan trọng khi thí sinh/ứng viên xuất hiện trước HLV hay nhà tuyển dụng. Việc lựa chọn cho mình một vẻ ngoài bắt mắt, chuyên nghiệp, cùng những thông tin cá nhân thú vị (ngoài tên tuổi, quê quán, ngành học thông thường) có thể mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn liên hệ được với công việc, chính là cách tạo điểm nhấn không thể tuyệt vời hơn đối với nhà tuyển dụng. Bạn chỉ có 1-2 phút để giới thiệu cho người đối diện biết được con người mình, còn theo khảo sát bạn chỉ có 30 giây đầu tiên để hình thành nên ấn tượng tốt nhất trong nhà tuyển dụng. Vì thế hãy lựa chọn những thông tin bạn cho là đắt giá, những câu chuyện đủ sức hút nếu bạn không muốn bị hoà lẫn vào trong hàng trăm ứng viên khác cũng đang chờ đợi để đưa ra những thông tin giống bạn. 
 

 

3. THỂ HIỆN TÀI NĂNG: THỜI ĐIỂM MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH
 

 

Tại Rap Việt, thí sinh có khoảng thời gian từ 4-5 phút để trình bày ca khúc của mình. Huấn luyện viên cũng đưa ra quyết định lựa chọn thí sinh trong khoảng thời gian này bằng hình thức đạp ga dưới ghế ngồi. 
Thời gian diễn ra tiết mục của mỗi thí sinh cũng chính là khoảng thời gian mang tính quyết định nhất cho việc họ có được lựa chọn đi tiếp vào vòng sau hay không. Cách duy nhất để chứng minh năng lực trong dòng nhạc này chính là tìm cho ca khúc của mình một flow hay, hòa quyện với phần playback, ca từ có chiều sâu, những kỹ thuật về chơi chữ, autotune,… cũng được đề cao trong Rap. Thông điệp nội dung được thể hiện trong mỗi ca khúc cần rõ ràng, thuyết phục được cái gật đầu của 4 HLV.

 

 

Có những thí sinh tài năng, chỉ rap 2 câu đầu đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của dàn HLV. Chẳng hạn, Ricky Star, ngay từ khi cất giọng, lần đầu tiên tại “Rap Việt”, cả 4 HLV có màn chọn thí sinh thần tốc đến thế, tất cả đều đạp nút chọn và lần lượt quăng nón tranh giành không cần đợi đến khi kết thúc màn trình diễn hay phần nhận xét của Giám khảo. 
 

 

Hay như R.Tee mang âm hưởng xẩm lên sân khấu, tạo nên tiết mục rap cực mới mẻ và bùng nổ. Màn trình diễn xuất sắc giúp R.Tee chinh phục hoàn toàn 4 HLV và tạo nên cuộc chiến giành thí sinh “nảy lửa”.
 

 

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thí sinh không may mắn khi không nhận được bất kỳ sự lựa chọn nào từ các HLV. Lý do cũng đều nằm ở việc lựa chọn ca khúc thiếu điểm nhấn, chưa đạt về kỹ thuật hay ca từ bài hát sáo rỗng… 
 

 

Có thể nói, việc trình diễn tài năng trên sân khấu để thuyết phục các HLV lựa chọn vào team mình của các thí sinh Rap Việt cũng giống như việc các ứng viên thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng làm việc của mình để chinh phục nhà tuyển dụng. Ứng viên cần chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình đủ năng lực để được lựa chọn bằng cách trả lời những câu hỏi từ phía nhà tuyển dụng. Đó có thể là những câu hỏi chuyên môn, cũng có thể là những tình huống giả định trong công việc thực tế mà bạn cần giải quyết hay thậm chí là những câu hỏi mang tính đánh đố, “lắt léo” nhiều hơn. Bạn cần điều chỉnh cách suy nghĩ, tiếp cận và đưa ra câu trả lời phù hợp.
 

 

Bài học rút ra: Với khoảng thời gian nhất định để chứng minh cho một người xa lạ nắm được kỹ năng, chuyên môn, tiềm năng của bạn là điều không phải dễ dàng. Hãy biết cách thể hiện khéo léo, triệt để khả năng của bạn. Lưu ý, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn những câu khá cụ thể. Bạn nên trả lời họ nhưng cũng cần sẵn sàng định hình cuộc hội thoại của mình. Bí quyết để có một buổi phỏng vấn nơi nhà tuyển dụng được cung cấp đầy đủ thông tin về ứng viên là chuẩn bị một bài trình bày cho thấy điểm mạnh; minh họa vì sao công việc này lại phù hợp với bạn. Kịch bản phỏng vấn nên truyền tải được một thông điệp chính về bạn; cũng như các điểm chính hỗ trợ giải thích cho lý do vì sao bạn đủ điều kiện cho vị trí ứng tuyển này. Tương tự Rap Việt, nếu có thể mạnh về viết lời, thí sinh sẽ đầu tư cho phần lời, mạnh về flow nhạc với những biến tấu cá tính khó quên thì chắc chắn họ sẽ bỏ ra rất nhiều “chất xám” để nghiên cứu phần này để chinh phục HLV và Giám khảo.

 


4. LỰA CHỌN VỀ ĐỘI AI? = CHỌN OFFER NÀO NHỈ?

 


Trước khi tìm hiểu về màn chọn đội, dưới đây là luật chơi dành cho những ai chưa biết:
 

 

Trong trường hợp có từ hai HLV trở lên chọn một thí sinh cùng lúc, ban giám khảo sẽ là những người quyết định thí sinh đó sẽ về với đội của vị HLV nào mà họ cảm thấy phù hợp nhất. Nếu ban giám khảo bất đồng quan điểm về việc chọn thí sinh vào đội nào, lúc đó giám khảo sẽ nhường cho thí sinh ra quyết định cuối cùng.
 

 

Cả bốn HLV đều sẽ có một quyền ưu tiên đặc biệt: Nếu một HLV cảm thấy yêu thích một thí sinh nào đó nhất và không muốn quyền quyết định rơi vào tay ban giám khảo, người đó có thể quyền dùng quyền nón vàng bằng cách ném chiếc nón màu vàng đặt ở tay ghế ở mỗi ghế của HLV lên sân khấu. 
 

 

Nếu có một HLV ném nón vàng thì thí sinh sẽ thuộc về đội của HLV đó. Nếu có từ hai huấn luyện viên trở lên dùng quyền năng này một cách thành công thì thí sinh sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Mỗi HLV chỉ được phép dùng quyền ưu tiên này 1 lần, nếu sử dụng thành công thì quyền ưu tiên này sẽ không thể sử dụng được nữa.
 

 

Tóm lại sau khi được các HLV lựa chọn, việc về đội của ai sẽ là quyền quyết định của hai Giám khảo Justatee và Rhymastic. Tuy nhiên, khi các HLV tung nón vàng để chọn thí sinh hoặc cả 2 BGK bất đồng quan điểm thì các thí sinh có quyền lựa chọn HLV mình muốn về đội của họ. 
 

 

Việc lựa chọn vào team của bất kỳ HLV cũng gây rất nhiều do dự cho thí sinh. Bởi đôi khi người trong cuộc không hiểu rõ hết màu sắc của mình sẽ phù hợp với HLV nào, thế mạnh của HLV này có phù hợp với mình hay không,… Tương tự như khi đứng giữa những offer, các ứng viên sẽ do dự không biết nên chọn công ty nào để làm việc. Liệu văn hoá công ty có phù hợp với tính cách của bạn? Thích làm marketing cho F&B hay Thời trang? Lúc này bạn có thể cần sự tư vấn của những người đi trước như đồng nghiệp, sếp cũ nếu vẫn còn giữ liên lạc, bạn bè, người thân… Bạn có nhận ra vai trò của các Giám khảo trong chương trình chưa? Bởi Giám khảo cũng như những người tham vấn cho bạn trong sự nghiệp và cuộc sống.
 

 

Rachel Kim – nhà chiến lược nghề nghiệp và tư vấn viên tại SoFi cho biết: “Sự nghiệp có thành công hay không bắt nguồn từ khâu lựa chọn công việc. Đó phải là nơi bạn liên kết được với những động lực nội sinh; là nơi bạn có thể sử dụng và phát triển kĩ năng của mình; nơi công việc có mục tiêu rõ ràng để bạn đóng góp giá trị của mình; nơi mà bạn cảm thấy mình thật sự thuộc về”.
 

 

Bài học rút ra: Việc lựa chọn HLV hay lựa chọn offer đòi hỏi khả năng hiểu rõ bản thân của ứng viên, cũng như tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp bạn định đầu quân vào. Internet, LinkedIn, Group trên Facebook,… đều là những nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện để bạn tìm hiểu về một công ty hay doanh nghiệp trước khi nhận offer làm việc tại đây.

 


5. ĐƯỜNG DÀI MỚI BIẾT NGỰA HAY

 


Sau vòng pick team đầy gay cấn, các thí sinh của Rap Việt sẽ bước vào những vòng tiếp theo cam go hơn rất nhiều, đơn cử là vòng Đối đầu với tỷ lệ chọi nhau “chan chát”, vô cùng khốc liệt. Nếu không nâng cao kỹ năng cá nhân, không cải thiện kỹ thuật âm nhạc, không tập trung theo kịp chỉ dẫn của các HLV, khả năng cao là bạn sẽ bị tụt lại phía sau, và rời khỏi cuộc đua bất cứ lúc nào.
 

 

Trong công việc cũng vậy, vượt qua vòng phỏng vấn căng thẳng mới chỉ là những bước đầu trong quá trình chinh phục sự nghiệp của bạn. Sau khi trúng tuyển, ứng viên cũng luôn cần nâng cao kỹ năng chuyên môn, cải thiện kỹ năng mềm, sẵn sàng thay đổi theo thực tế để đáp ứng mọi yêu cầu của công việc. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nếu không thay đổi bạn sẽ tụt hậu. Nếu tụt hậu bạn sẽ rất khó trở thành nguồn lao động chất lượng trên thị trường tuyển dụng.
 

 

Người ta vẫn nói, đường dài mới biết ngựa hay. Một khởi đầu tốt tất nhiên là bàn đạp tuyệt vời cho những bước tiến tiếp theo. Nhưng những bước tiến tiếp theo có thành công và vững chắc hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ tích cực dành cho công việc và bản thân của bạn. Suy cho cùng, làm nghệ sĩ hay dân văn phòng muốn thành công hay không đều cần tính đường dài và có một thái độ tốt với công việc.
 

 

Rap Việt tuy là một gameshow giải trí trên truyền hình nhưng có những tương đồng với một thị trường tuyển dụng thu nhỏ. Nơi đây có đầy đủ các HLV như các nhà tuyển dụng với những cá tính riêng biệt. Đồng thời, các thí sinh cũng như các ứng viên đang nỗ lực mỗi ngày để nâng cao giá trị của bản thân, trở thành nguồn ứng viên chất lượng hơn trên thị trường lao động hiện nay. 
 

 

*Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả
 

 

Luong Tran - Theo TopCV

Bài viết liên quan

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 27-28/7/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG

Trong 2 ngày 14-15/3/2023 – Giảng viên Yến Đỗ - Giám đốc công ty GPO (www.gpo.vn) đã có hai ngày đào tạo và dẫn dắt khoá đào tạo NÂNG CAO KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CHO NHÀ QUẢN LÝ CẤP TRUNG.


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ CHO NHÀ QUẢN LÝ

Chương trình đào tạo giúp chuyên nghiệp hóa năng lực của các nhà quản trị cấp cao, bổ khuyết những năng lực, góc nhìn thiết yếu cho ban lãnh đạo, điều hành trong thời kỳ mới


Bản quyền thuộc về GPO. Thiết kế website bởi Tâm Phát